Công quốc Hutt River được thành lập vào ngày 21/4/1970 tại vùng đất cách thành phố Perth thuộc Tây Úc khoảng 500 km về phía Bắc. Vi quốc gia này có diện tích là 75 km2 nhưng dân số chỉ có chưa đến 30 người.
Sở dĩ gọi là “vi quốc gia” là do nước này tự xưng chủ quyền chứ chưa được quốc tế công nhận, khác với những quốc gia tuy diện tích nhỏ nhưng đã được công nhận chủ quyền như Vatican (Ý). Bên trong lãnh thổ nước Úc có khá nhiều các vi quốc gia, trong số đó nổi tiếng nhất là Công quốc Hutt River.
Nguyên nhân thành lập Công quốc Hutt River là do xung đột giữa một chủ trang trại và chính phủ Úc về vấn đề hạn ngạch lúa mì. Trong lúc tức giận thì người này đã tuyên bố độc lập và trở thành lãnh đạo, nhưng nước Úc và quốc tế thì chưa từng công nhận chủ quyền của Công quốc Hutt River.
Dù vậy, Công quốc Hutt River vẫn phát hành hộ chiếu, tiền giấy, tem và bằng lái xe giống như một quốc gia có chủ quyền. Họ có quốc kỳ riêng cũng như đã thành lập 13 văn phòng nước ngoài tại 10 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ và Pháp.
Trong vài thập kỷ qua, ngành du lịch đã trở thành một trong những nguồn thu chính của Công quốc Hutt River, đặc biệt là nước này đã được biết đến nhiều hơn trên thế giới trong 15 năm qua nhờ sự phát triển của mạng Internet.
Có rất nhiều du khách được đóng visa lên hộ chiếu và mua tiền giấy do Công quốc Hutt River phát hành khi đến tham quan nước này. Tỷ lệ trao đổi của đồng tiền này với đô la Úc là 1:1.
Tuy nhiên, cũng giống như các điểm du lịch khác trên thế giới, ngành du lịch của Công quốc Hutt River đã chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19). Người lãnh đạo đương nhiệm của Công quốc Hutt River, Hoàng tử Graeme Casley đành phải tuyên bố giải thể quốc gia này và bán đất để hoàn trả 3 triệu đô la Úc tiền thuế mà nước này nợ chính phủ Úc.
Hoàng tử Graeme Casley cho biết thật sự rất buồn khi phải nhìn “quốc gia” mà cha ông đã vất vả xây dựng nên kết thúc sau 50 năm.
Ông nói rằng Công quốc Hutt River là một đoạn lịch sử đặc biệt mà mọi người trên khắp thế giới từng được nghe nói đến và sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Theo Epoch Times