Chiều 15/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã Lập biên bản bà Lynette Moey Yu Lin – tổng giám đốc Bayer Việt Nam về hành vi gửi tài liệu có “đường lưỡi bò”.
Trên báo Tuổi Trẻ, trong buổi làm việc với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, bà Lin thừa nhận đã gửi tệp tin (dung lượng 19 MB) về phòng, chống dịch Covid-19 cho 9 người, trong đó có một trang chứa hình ảnh bản đồ (đường lưỡi bò) không thể hiện đúng chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Hiện tại, bà Lynette đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật thu hồi thư điện tử này. Theo quy định, CEO Bayer Việt Nam sẽ bị phạt 25-35 triệu đồng về việc sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam.
Chia sẻ trên Zing, đại diện Bayer Việt Nam cho biết, đây là tài liệu lưu hành nội bộ nhằm giới thiệu các ví dụ điển hình trong hoạt động hỗ trợ cộng đồng y khoa trong khu vực châu Á. Đây là một sự cố đáng tiếc và đã xin lỗi các nhân viên nhận được email.
Bayer có 700 nhân viên tại Việt Nam, là một tập đoàn hơn 150 tuổi của Đức, hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp. Công ty hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 với 2 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, Bình Dương và 2 văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM.
Trước đó, ngày 27/4, bà Lynette trong vai trò tổng giám đốc Công ty Bayer Việt Nam đã chia sẻ một tập tài liệu từ thư điện tử (email) của bà đến email nhân viên của công ty với tiêu đề: “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc – Chia sẻ bởi Michelle Han”.
Theo quy trình làm việc tại Bayer Việt Nam, những tài liệu bắt nguồn từ tổng giám đốc sẽ được chuyển tiếp cho quản lý bộ phận, sau đó mới chuyển đến cho các nhân viên trong công ty.
Trong tập tài liệu “COVID-19, bài học đến từ Trung Quốc – Chia sẻ bởi Michelle Han” đã có đính kèm hình bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc đang nỗ lực tuyên truyền để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông.
“Đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” là yêu sách của Trung Quốc nhằm tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tuyên bố phi pháp này đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016.