Tiền hỗ trợ: Người có, người chưa

"Nhưng không ngờ sau khi làm đơn, bổ sung giấy tờ, hộ khẩu... đến nay cũng chưa nghe ai kêu lên nhận tiền hỗ trợ" - anh Hòa nói.
Chia Sẻ :
 Gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đợt 1 theo quyết định 15 của Thủ tướng đã được triển khai từ tháng 4, nhưng đến nay ở một số nơi nhiều người dân vẫn chưa được nhận.

Người bán hàng rong ở Đà Nẵng những ngày này chủ yếu sống nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Tiếp xúc với Tuổi Trẻ, nhiều người dân lao động tự do thuộc diện được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ của Chính phủ cho hay đã chờ đợi mỏi mòn nhưng chưa thấy tiền hỗ trợ đâu.

Cần Thơ: danh sách còn chưa duyệt
Anh Huỳnh Minh Hòa - buôn bán hàng rong ở Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cho biết vừa rồi được cán bộ khu vực mời lên UBND phường làm thủ tục để nhận hỗ trợ tiền do ảnh hưởng dịch COVID-19. 
"Nhưng không ngờ sau khi làm đơn, bổ sung giấy tờ, hộ khẩu... đến nay cũng chưa nghe ai kêu lên nhận tiền hỗ trợ" - anh Hòa nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, TP mới hoàn tất chi hỗ trợ cho hơn 85.000 trường hợp là người có công với cách mạng, người được bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí hơn 94,5 tỉ đồng. 
Các đối tượng còn lại tiến độ chi trả rất chậm, đến nay vẫn còn vướng thủ tục, hồ sơ giấy tờ... Riêng nhóm lao động tự do, có 29.959 người với dự kiến kinh phí gần 30 tỉ đồng, các quận huyện có trình danh sách lên UBND TP phê duyệt nhưng do sai sót về thủ tục giấy tờ nên yêu cầu bổ sung, chưa chi hỗ trợ. 
Bà Trần Thị Xuân Mai - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ - cho biết sở đang đốc thúc bổ sung hoàn thành các thủ tục đúng theo yêu cầu để thực hiện chi trả cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ.
Bà Võ Thị Hồng Ánh - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết TP gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có cơ sở dữ liệu chung nên tất cả phải dựa trên cơ sở khảo sát, xác minh của các bộ phận xã, phường. 
Do đó áp lực thực hiện việc xác nhận, xác minh để đảm bảo đúng đối tượng và không sai sót đòi hỏi phải thận trọng. 
"Hiện tại, để đẩy nhanh tiến độ, hồ sơ nào xong, hoàn thành yêu cầu thì các quận, huyện trình lên TP ngay để phê duyệt chi trả. Hồ sơ chưa xác minh thì các đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ xác minh" - bà Ánh nói.
TP.HCM tiếp tục rà soát
Trong những người bán hàng rong ở TP.HCM mà chúng tôi gặp chiều 19-8, chỉ có mình bà Huỳnh Thị Bé (quê Quảng Ngãi) nhận được khoản hỗ trợ 1 triệu đồng. 
"Tôi làm xác nhận đang bán hàng rong và xác nhận đăng ký tạm trú ở Sài Gòn rồi gửi về xã mới được cho lãnh 1 triệu đồng ngoài quê. Ông xã tôi ở ngoài quê mới lên nhận mấy bữa nay" - bà Bé kể. 
Trong khi đó, nhiều người khác cho hay chưa nhận được hỗ trợ. Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết TP đã hỗ trợ cho khoảng 183.900 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 
Trong đó, số người tạm trú khoảng 28% và có khoảng 6% (khoảng 11.000 người) là người buôn gánh bán bưng bị mất thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng. 
Theo đó, 100% số người thuộc nhóm lao động tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ đã được TP chi trợ cấp 1 triệu đồng/người. Hiện nay, sở cùng với Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tiếp tục rà soát về người bán hàng rong để có cơ sở cho các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.
Đà Nẵng: nhiều người không đủ điều kiện
Bà Phan Thị Thúy Linh - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng - cho biết hơn 22.000 lao động đã được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong đợt 1 từ gói 62.000 tỉ của Chính phủ.
Hiện sở đang đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ đợt 2 cho người lao động tự do, trong đó có những người bán vé số, xe thồ, bán hàng rong... với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng.
Theo bà Linh, rất nhiều trường hợp lao động tự do là người ngoại tỉnh chưa có xác nhận không nhận hỗ trợ tại nơi thường trú nên không đủ điều kiện nhận hỗ trợ tại Đà Nẵng.
"TP không thể bao xuể hỗ trợ cho tất cả vì họ không đủ điều kiện để nhận gói hỗ trợ của Chính phủ. Chúng tôi cũng tích cực huy động kinh phí, hàng hóa qua nhiều kênh để hỗ trợ lương thực cho các đối tượng này" - bà Linh nói.
Bà Linh cho biết Sở LĐ-TB&XH đã hỗ trợ lương thực trong thời gian nghỉ dịch, mỗi người 10kg gạo/tháng, để họ vượt qua khó khăn.
Chia Sẻ :

COVID

Đời Sống & Xã Hội