Đan Mạch: Tiêu hủy hơn 17 triệu con chồn do lo lây SARS-CoV-2 từ chồn sang người

Tại thời điểm hiện tại việc lây từ chồn sang người vẫn chưa có đột biến đến mức gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu vẫn để chúng tồn tại trên chồn càng lâu t
Chia Sẻ :

 Thông tin về việc chính phủ Đan Mạch quyết định cho tiêu hủy toàn bộ đàn chồn đang được nuôi trong những trang trại của nước này chắc sẽ làm nhiều người giật mình bởi số lượng bị tiêu hủy là quá lớn. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế Đan Mạch thì đây là việc cẩn tắc vô áy náy bởi nguy cơ lây truyền từ chồn sang người là có, thế nên thà chặn luôn trước khi mọi việc quá muộn còn hơn để đến lúc tung ra thì mọi cố gắng chống dịch đều đổ sông đổ biển.

Cho đến thời điểm hiện tại con số chính thức từ phía Đan Mạch đưa ra là có 12 người đã bị nhiễm virus tại các trạng trại nuôi chồn, tuy nhiên theo lời bộ trưởng y tế nước này thì có thể đã có đến 783 trường hợp bị lây virus có thể có liên quan đến các con chồn ở đây. Điều này có nghĩa là có thể đã có hiện tượng người lây sang chồn và virus tiếp tục đột biến để quay ngược từ chồn lây lại về người. Điều này cũng không quá lạ bởi việc đột biến để thích nghi với môi trường mới là điều được lập trình sẵn của virus rồi. Theo như lời của giáo sư David Robertson, nhà virus học của Trung tâm nghiên cứu virus thuộc trường đại học Glasgow, thì do SARS-CoV-2 cũng đã có mặt trên thế giới được khoảng 1 năm rồi nên việc có các biến thể của chúng là điều bình thường, điều này cũng được xác nhận bởi rất nhiều các nghiên cứu những chủng virus mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Các nhân viên y tế Đan Mạch đang chuẩn bị xử lý 1 trang trại nuôi chồn

Tại thời điểm hiện tại việc lây từ chồn sang người vẫn chưa có đột biến đến mức gây nguy hiểm, tuy nhiên nếu vẫn để chúng tồn tại trên chồn càng lâu thì nguy cơ chúng có các đột biến có hại càng cao, và khi chúng lây trở ngược lại con người thì rất có thể con virus đó sẽ có khả năng lẩn tránh sự phản ứng của hệ miễn dịch trên người.

Đến thời điểm hiện tại chúng ta đã biết SARS-CoV-2 có 7 loại đột biến sau gần 12 tháng lây lan. Một trong số chúng là Y453F, là loại được phát hiện trong đợt bùng phát tại trang trại chồn ở Hà Lan hồi tháng 4 nhưng rất may nó có vẻ không lây lan rộng ra ngoài. Theo lời bác sỹ Julian Hisox, trưởng khoa lây nhiễm của trường đại học Liverpool, thì nếu càng để virus được sống trong các môi trường khác nhau thì khả năng chúng đột biến càng cao, qua đó việc xử lý chúng càng khó khăn hơn. Chính vì vậy chúng ta mới phải cố ngăn chặn sự lây lan ra nhiều người là bởi vậy, đặc biệt là phải giảm tối đa việc để diễn ra lây virus từ động vật sang người do cấu trúc gen của 2 loài khác nhau, có thể dẫn đến các biến chứng không thể kiểm soát nổi.

Tuy nhiên chủng virus được phát hiện tại các trang trại chồn ở Đan Mạch vẫn thuộc dạng yếu, không bị đột biến quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu cứ để chúng tự do nhảy từ người sang chồn và ngược lại thì rất có thể các dạng vaccine mà loại người đang mong mỏi từng ngày để chống lại SAR-CoV-2 sẽ không đem lại kết quả bảo vệ như mong muốn. Vậy nên việc tiêu hủy này vẫn là cần thiết, dù rằng rất nhiều chủ trang trại chồn đang phản đối biểu tình chống lại việc tự dưng đem toàn bộ kế sinh nhai của họ đi đánh thuốc mê và hỏa thiêu.

Sau đợt thanh trừng này thì Đan Mạch sẽ không còn là 1 trong những nước xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới nữa, và cũng có thể việc đại dịch bùng phát như vậy cũng sẽ giúp loài người bớt đi việc mặc những chiếc áo lông thú lên người.


Nguồn The Guardian


Chia Sẻ :

Thế Giới